baby-cuatoi

Hướng dẫn cách chăm sóc vòng bi của giày patin

22/02/2023 11:02

Bạn rất đam mê trượt patin và cũng đã có giầy trượt patin cho riêng mình. Sau một thời gian tập luyện giầy trượt patin cũng cần được chăm sóc theo định kỳ. Tham khảo bài viết sau để biết cách chăm sóc cho đôi giầy trượt patin của mình nhé.

Vòng bi (Bearings) – một bộ phận quan trọng trong cấu tạo của đôi giầy trượt patin, quyết định sự thoải mái của bạn khi bạn phiêu du trên 8 bánh xe. Dù là bộ phận bị che khuất, nhưng nó quyết định tốc độ, và quyết định cho những pha “bay lượn” của bạn trên mặt đường asphalt.

Làm ảnh hưởng đến vòng bi chủ yếu là cát, bụi và nước. Cát và bụi thường qua khe hở giữa tấm chắn bụi và vành vòng bi lọt vào bên trong, mài mòn bi và rãnh chạy bi rất nhanh chóng. Do vậy, nếu vòng bi không được để tâm chăm sóc, lâu dần khi vận hành vòng bi sẽ phát ra tiếng rào rạo, trèo trẹo do cấn cát bên trong. Những người trượt với những vòng bi như vậy thường than rằng “đôi roller của họ không chịu đi”, và khi họ trượt, tất cả bạn bè họ từ xa đều nhận thấy do âm thanh từ vòng bi phát ra. (Chú thích của người dịch: đối với vòng bi Tàu, âm thanh gây ra còn khủng bố hơn nữa mặc dù vòng bi còn sạch mới 100%!!)

Nước, khi thấm vào bên trong vòng bi, lại gây ra một hiệu ứng khác không kém phần nguy hại: mỡ tra vào bi sẽ hấp thụ độ ẩm, vón cục và không còn giữ chức năng bôi trơn, mà vòng bi thì không thể hoạt động lâu với trạng thái khô mỡ như vậy. Và skate với một vòng bi “sắp chết” rõ ràng không vui vẻ gì, điều này bạn có thể tự trải nghiệm.

Như vậy, để có thể trượt nhanh, trượt lâu mà không phải thay thế vòng bi, chúng ta cần biết “chăm sóc” chúng đúng lúc.

Do việc tháo gỡ, rửa và tra mỡ vào vòng bi gồm nhiều bước, mất nhiều công sức (mỗi bánh xe có 2 bearings, 8 bánh sẽ là 16 bearings cần được chăm sóc!), nên tốt hơn hết chúng ta nên giữ gìn tránh cho vòng bi lâu bị bám bẩn, bằng cách không trượt trên đường quá bẩn, đường có nhiều cát, đường ướt hoặc khi trời mưa.

CHĂM SÓC VÒNG BI

Quy tắc đầu tiên: Để dễ dàng chăm sóc, bearing phải được tháo gỡ từng phần một

Thứ hai, các bạn KHÔNG ĐƯỢC làm những điều sau đây (lời khuyên từ những người có kinh nghiệm):

1. Làm sạch chúng mà không tháo gỡ bằng cách dùng ống nhỏ giọt nhỏ các loại dầu bôi trơn qua khe bearing.

2. Nhúng vòng bi trong dầu hỏa hoặc các dung môi khác.

3. Luộc chúng.

4. Trở về khi vừa dính mưa (rất hay xảy ra phải không?), chỉ đơn giản là tháo và ngâm vòng bi vào xăng trong một hai ngày. Sau đó bạn sẽ không thể rửa sạch xăng bằng nước thường, và cái vòng bi không may mắn kia sẽ bắt đầu gỉ sét. Nếu sau 2 ngày bạn đổ xăng cũ ra, cho xăng mới vào và quay thử, lúc đấy vòng bi đã bị chết và rất khó quay.

Nhưng mặc dù bất cứ điều gì đi chăng nữa, kết quả chung cuối cùng cho các vòng bi vẫn sẽ là:

- Cát, bụi bẩn đọng lại dính với mỡ tra cũ chưa được rửa sạch trước khi tra mỡ mới.

- Tiếng kêu rào rạo kèm với sự mài mòn vòng bi.

Lúc này bạn cũng có sự lựa chọn là mua hẳn bộ vòng bi mới. Hoặc nếu không, chúng ta có thể tự chăm sóc chúng chỉ với chi phí cho 200-300 gram xăng.

Tháo gỡ vòng bi:

1. Tháo bánh xe khỏi trục.

2. Tháo vòng bi khỏi bánh xe bằng công cụ (thanh cứng hoặc tuốc-nơ-vít) có hình dạng gần như sau:

bạn sẽ khựi vòng bi ra khỏi bánh xe theo cách sau

Lưu ý khi khựi tránh để tuốc-nơ-vít chọc vào tấm chắn bụi, vì đây là phần mềm của vòng bi, dễ bị lõm.

Sau khi lấy được vòng bi khỏi bánh xe, làm sạch đất cát bẩn bám bên ngoài vòng bi bằng tăm và bàn chải khô (tránh để đất bẩn lọt ngược qua rãnh vào trong). Để tiếp tục bước tiếp theo, bạn cần xác định một điều quan trọng: vòng bi của bạn thuộc loại tháo được hay không tháo được (như đã trình bày ở trên).

- Nếu vòng bi của bạn thuộc loại không tháo được (không có vòng chữ C):

tốt hơn hết là đừng tiếp tục nếu không thật cần thiết, vì vòng bi loại này sẽ khó bẩn hơn, mỡ tra bên trong sẽ lâu khô hơn loại tháo được. Đồng thời, khi tháo loại vòng bi này, không tránh khỏi tấm chắn bụi của vòng bi sẽ bị biến dạng. Cách tháo loại vòng bi này sẽ được dịch trong một bài khác.

- Nếu vòng bi của bạn thuộc loại tháo được (có vòng chữ C):

Để tháo gỡ loại vòng bi này trước tiên bạn xác định khe hở của vòng chữ C. Sau đó dùng kim nhọn (có thể dùng compa) bắt đầu từ khe này khựi dần vòng chữ C ra khỏi vòng bi (chú ý vừa khựi vừa giữ để lấy ra từ từ, tránh để vòng chữ C bắn đi mất – tớ đã bị rồi!!). Sau khi tháo được vòng chữ C ra, chúng ta dễ dàng khựi tấm chắn bụi ra khỏi vòng bi.

Cũng làm tương tự đối với mặt còn lại của vòng bi.

RỬA VÒNG BI

Phù, do phần này quan trọng, tớ phải đọc thật kỹ và dịch thật chính xác, dẫn đến tốc độ dịch + type rất chậm!

Để rửa vòng bi, ta cần các thứ sau:

- Một lọ keo thủy tinh có nắp để đựng xăng ngâm vòng bi.

- Một phần chai nước ngọt được cắt ra (loại chai 1,5lít – tất nhiên, đã được làm sạch CocaCola hoặc Pepsi!) cũng để đựng xăng rửa vòng bi.

- Thanh gỗ hoặc chiếc đũa cả (đũa lớn) để có thể sọt chặt vào lỗ vòng bi (như xiên thịt ấy! )

- 300-400 gram xăng

Vì ta sẽ thao tác với xăng, cho nên tốt hơn hết việc rửa vòng bi nên thực hiện ngoài trời, cách xa các vật dụng dễ cháy để đề phòng hỏa hoạn (tôi nghĩ dòng dặn dò này không thừa!)

Vì sao chúng ta chọn xăng? Vì nó là dung dịch tốt nhất để làm tan bất cứ loại dầu mỡ nào và rửa đi những cát bụi bẩn kèm theo. Một lời khuyên: chúng ta không dùng các dung dịch khác để rửa như cồn, dầu thông, dầu hôi (dầu hỏa),… vì các dung dịch này sẽ không rửa được triệt để mỡ cũ trong vòng bi.

Nào bắt đầu. Đầu tiên chúng ta ngâm các vòng bi (đã được tháo hoàn toàn tấm chắn bụi và vòng chữ C) trong lọ keo thủy tinh đựng xăng trong một thời gian ngắn (chú ý đọc lại điều 4 trong phần những điều không nên làm ở trên – “không được ngâm vòng bi vào xăng trong một hai ngày sau khi đi mưa”). Sau đó trong khi lọ keo vẫn đậy nắp, ta lắc mạnh lọ trong vài phút để cho mỡ cũ trong vòng bi tan vào xăng. Lấy các vòng bi ra và đổ xăng bẩn đi.

Lúc này cho xăng vào lọ nhựa (đáy chai nước ngọt), dùng đũa “xiên” vòng bi rồi thả vào lưng chừng nửa lọ. Dùng ngón tay quay vòng bi (vẫn dính vào đũa và ngập trong xăng). Khi quay, những cặn bẩn còn lại trong vòng bi sẽ trôi ra ngoài. Ta vừa quay vừa nhìn và lắng nghe xem vòng bi quay “ngon” chưa cho đến khi hết sạch cặn bẩn bám bên trong (khi vòng bi sạch có khi có thể quay được 10-15 giây trong xăng!). Lần lượt làm như vậy đối với các vòng bi còn lại. Đặt những vòng bi đã sạch trên tờ giấy sạch để phơi khô xăng, chuẩn bị cho bước tiếp theo: tra mỡ.

TRA MỠ

Mỡ dùng để tra vào vòng bi cần dùng loại mỡ bò dùng để tra vào vòng bi xe đạp: đây là mỡ dạng đặc quánh.

Loại dầu, nhớt lỏng được khuyên là không nên sử dụng ở đây, nhất là đối với thể loại fitness-free skating-street skating!

Trong trường hợp bất khả kháng phải dùng loại dầu này thì nên được tra thường xuyên (mỗi 60-100km trượt), nhưng hiệu ứng của nó cũng không cao. Và loại dầu này gần như vô tác dụng đối với các lọai vòng bi sau:

- ABEC 1 hoặc ABEC 3

- đã quá cũ

- vòng bi cho bộ môn aggressive

Mỡ bò không những có tác dụng bôi trơn vòng bi tốt hơn loại dầu, nhớt lỏng trên, mà còn bảo vệ vòng bi khỏi bụi, cát bẩn lọt vào.

Chú ý khi bôi mỡ nên tập trung bôi vào phần tiếp xúc xung quanh bi, bôi đều tất cả các bi (7 bi), rãnh chạy bi trên vành trong và vành ngoài. Không nên bôi quá nhiều hoặc bôi một cục quá lớn, có thể bị tràn ra ngoài khi ta đậy tấm chắn bụi.

Cuối cùng chỉ là những công đoạn ngược lại: đậy tấm chắn bụi, lắp vòng chữ C, lắp vòng bi vào bánh xe, lắp bánh xe vào Roller và…tận hưởng!!

Việc chăm sóc vòng bi kết thúc ở đây, chúc các bạn thành công, hài lòng với những vòng bi của mình đã trở-lại-như-mới!!

Bình luận và đánh giá

5/5

1 đánh giá và nhận xét

5 sao
1
4 sao
0
3 sao
0
2 sao
0
1 sao
0

Viết đánh giá

Đánh giá

Thêm ảnh

GGuest

Cảm ơn bài viết hữu ích của shop

Copyright © 2019 babycuatoi.vn Alright reversed. Designed by Sudo

Điều khoản sử dụng Chính sách bảo mật

1800.6598

Chat với chúng tôi qua zalo

Chat ngay để nhận tư vấn

Thành công

Thất bại

Hệ thống gặp lỗi, vui lòng thử lại sau